Chi tiết tin tức

Đắk Lắk: Nguy cơ lũng đoạn thị trường cà phê vì “mua cao, bán thấp”

(05/02/2013)

 

Một bên là DN xuất khẩu đang thu mua theo giá thị trường 40.000 đồng/kg có hóa đơn, còn một bên thu mua với giá 41.000 đồng/kg không có hóa đơn, thì người nông dân, đại lý thu gom cà phê sẽ bán cho ai?

Mua cao, bán thấp vẫn lãi

Theo đại diện một số doanh nghiệp (DN) tại Đắk Lắk cho biết, hiện nay có rất nhiều công ty, DN TNHH trên địa bàn tỉnh được thành lập rồi ồ ạt thu mua cà phê giá cao hơn giá thị trường từ 700 - 1.000 đồng/kg, sau đó đi bán lại với giá thấp hơn hoặc bằng giá thị trường vẫn thu được lợi nhuận.

Ông Lê Đức Thống, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu cà phê 2-9 (Đắk Lắk) cho hay: “Nghe có vẻ nghịch lý nhưng thật ra không nghịch lý chút nào. Vì các công ty, DN TNHH này thu mua cà phê trực tiếp từ nông dân, đại lý nhưng không có hóa đơn, chứng từ. Nếu tính giá thị trường cà phê hiện nay là 40.000 đồng/kg, với mức thuế giá trị gia tăng (VAT) DN thu mua phải chịu là 5% (tương ứng với 2.000 đồng/kg), tính ra giá DN mua gồm giá thành cộng với tiền thuế phải chịu là 42.000 đồng/kg. Nhưng bằng hình thức mua trốn thuế thì những công ty, DN TNHH này có mua giá cao hơn giá thị trường 1.000 đồng (41.000 đồng/kg). Sau đó, đem bán lại cho các DN xuất khẩu với giá 40.000 đồng/kg thì họ vẫn thu lãi 1.000 đồng/kg vì DN xuất khẩu phải trả thêm 5% thuế VAT/kg giá thành là 2.000 đồng/kg cho công ty, DN TNHH”.

Còn ông Phạm NgọcBằng, Phó Giám đốc Công tyTNHH liên doanh Cà phê Đắk Man (km10, quốc lộ 26) tiết lộ: “Nhiều DN lớn đã “đẻ” ra một số DN “con” đóng đô ở các thành phố lớn. Sau đó những DN “con” này sẽ đi thu mua cà phê trực tiếp từ các cơ sở, đại lý nằm trong vùng nguyên liệu với giá cao hơn giá thị trường, không hóa đơn bán lại để kiếm lời. Lợi dụng chính sách gia hạn nộp thuế VAT của Bộ Tài chính, nhiều DN cà phê đã tìm cách lách luật, trốn thuế nhằm thu lợi. Đến thời hạn phải nộp thuế, với lí do nợ thuế, khó khăn thì DN “mẹ” này sẽ tuyên bố phá sản. Đây là một hình thức kinh doanh trái pháp luật, chiếm dụng tiền thuế của Nhà nước”.

 

Nguy cơ lũng đoạn thị trường

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Lê Đức Thống lo ngại: “Một bên là DN xuất khẩu đang thu mua theo giá thị trường 40.000 đồng/kg có hóa đơn, còn một bên thu mua với giá 41.000 đồng/kg không có hóa đơn, thì người nông dân, đại lý thu gom cà phê sẽ bán cho ai? Đương nhiên là những DN TNHH mua giá cao hơn giá thị trường không cần hóa đơn. Nếu không kiểm soát được tình trạng này thì có thể hàng trăm tỷ đồng tiền thuế bị thất thu mỗi năm. Nhưng hậu quả là sẽ làm rối loạn thị trường cà phê trong nước”.

Theo ông Phạm Thái Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ thì hiện nay, có 8 công ty, DN TNHH từ tỉnh khác đến kinh doanh khai man địa chỉ trên địa bàn, nhưng đến thời điểm này cơ quan chức năng mới xác định được 4 công ty, DN có lãnh đạo bỏ trốn là công ty Lê Quang Tập, Nguyễn Hữu Hiếu, Thủy Phong Phát và Ngô Quý Yên. Bốn công ty này đã thu mua cà phê trên địa bàn rồi bán lại cho 40 DN ở các tỉnh khác như: Đồng Nai, Bình Phước, Vũng Tàu, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông... với tổng giá trị lên đến 2.288 tỷ đồng và được nhận phần thuế khấu trừ đầu vào hơn 114 tỷ đồng. Và tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hiện có khoảng 20 công ty, DN TNHH được thành lập mới, đều do người ngoài tỉnh đến đăng ký kinh doanh với hình thức hoạt động tương tự.

Lo ngại về vấn đề này, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, sẽ kiến nghị tình trạng này với cơ quan quản lý thị trường ở các địa phương kiểm soát chặt việc DN thu mua cà phê trong nước, nhất là DN có dấu hiệu “mua cao, bán thấp” không hóa đơn, chứng từ ở các vùng nguyên liệu. Đồng thời liên kết với cơ quan thuế phát hiện những DN vi phạm sẽ xử phạt thật nặng, rút giấy phép kinh doanh.

Nguồn: Cafef.vn

 

Tin tức khác
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Skype Me™!      Huỳnh Hồng Đức
  0903.611.066
Đếm số lượng truy cập     Số người online: 5
    Số người truy cập: 1576624
Dự án đã thực hiện