Chi tiết tin tức

Trong trường hợp cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì phải thực hiện như thế nào, Số tiền sử dụng đât sphải nộp là bao nhiêu? cấp, thẩm quyền phê duyệt?

(20/03/2013)

Trả lời:1. Chủ trương của Nhà nước về chuyển đổi mục đích sử dụng đất Ngày 22/12/2009, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 121/2009/QĐ-UBND Quy định về trình tự, thủ tục cho phép hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở trong khu dân cư nhưng chưa được công nhận là đất ở và đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư (không thuộc đất công) sang đất phi nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó các khái niệm được hiểu như sau:

1. “Đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở trong khu dân cư nhưng chưa được công nhận là đất ở” là đất nằm trong phạm vi khu dân cư đã được xác định ranh giới theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp khu dân cư chưa có quy hoạch được phê duyệt thì xác định theo ranh giới hiện trạng của thửa đất có nhà ở ngoài cùng của khu dân cư) và là phần diện tích được xác định là đất vườn, ao khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của UBND Thành phố.

2. “Đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư” là đất nằm trong phạm vi khu dân cư đã được xác định ranh giới theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp khu dân cư chưa có quy hoạch được phê duyệt thì xác định theo ranh giới hiện trạng của thửa đất có nhà ở ngoài cùng của khu dân cư) và là đất được xác định là đất nông nghiệp khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của UBND Thành phố.

2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

2.1. Phạm vi: Đất nằm trong phạm vi khu dân cư đã được xác định ranh giới theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp khu dân cư chưa có quy hoạch được phê duyệt thì xác định theo ranh giới hiện trạng của thửa đất có nhà ở ngoài cùng của khu dân cư) và là phần diện tích xác định là đất vườn, ao khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của UBND Thành phố.

2.2. Đối tượng áp dụng: hộ gia đình, cá nhân là chủ sử dụng đất và đang trực tiếp sử dụng đất.

3. Điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất

Điều kiện để các hộ gia đình, cá nhân được phép chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm:

- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất và có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.

- Hộ gia đình, cá nhân xin chuyển mục đích sử dụng đất phải là người chấp hành tốt pháp luật đất đai ở địa phương, được UBND phường, xã, thị trấn xác nhận và có văn bản cam kết về những nội dung chính sau:

+ Bàn giao phần diện tích nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng, đê, sông, kênh, mương, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình an ninh, quốc phòng, quy hoạch thoát lũ cho các tổ chức quản lý chuyên ngành quản lý theo quy định.

+ Bàn giao phần diện tích nằm trong phạm vi chỉ giới mở đường quy hoạch và lối đi sử dụng chung của khu vực cho UBND phường, xã, thị trấn quản lý theo quy định.

+ Nộp đầy đủ, đúng thời hạn các khoản nghĩa vụ tài chính về đất theo quy định khi được phép chuyển mục đích sử dụng đất;

+ Đăng ký cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường (trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất sản xuất, kinh doanh, dịch vụ).

- Diện tích đất xin chuyển mục đích sử dụng sang làm nhà ở hoặc để sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc xây dựng điểm dân cư nông thôn (gọi tắt là quy hoạch) đã được phê duyệt; không nằm trong chỉ giới mở đường quy hoạch, phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng, đê, sông, kênh, mương, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình an ninh, quốc phòng, quy hoạch phòng chống lũ và diện tích dành lối đi sử dụng chung trong khu vực.

4. Thời hạn sử dụng đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất:

4.1. Các mục đích sử dụng đất phải nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng quy định trong Quyết định 121/2009/QĐ-UBND gồm:

- Đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở trong khu dân cư nhưng chưa được công nhận là đất ở

- Đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư

Đối với loại đất được đảm bảo các điều kiện theo 1 trong 2 nguồn gốc trên được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất ở hoặc đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.

4.2. Thời hạn sử dụng đất sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng:

- Thời hạn sử dụng đất đối với diện tích được chuyển mục đích sử dụng đất ở là lâu dài.

- Thời hạn sử dụng đất đối với diện tích được chuyển mục đích sử dụng sang đất sản xuất, kinh doanh được xác định theo đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất hoặc phương án sản xuất, kinh doanh nhưng tối đa không quá 50 năm kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Khi hết thời hạn sử dụng đất, hộ gia đình, cá nhân được xem xét gia hạn nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

5. Thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất

Quyết định 121/2009/QĐ-UBND quy định phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.

6. Thực hiện chế độ tài chính về đất khi được phép chuyển mục đích sử dụng đất

6.1. Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở trong khu dân cư nhưng chưa được công nhận là đất ở sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006 của Chính phủ, cụ thể:

"a) Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở sang làm đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp;

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất vườn, ao không được công nhận là đất ở hoặc đất nông nghiệp sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp thì thu tiền sử dụng đất bằng chênh lệch giữa thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp với thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp".

6.2. Chuyển từ đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 6 Nghị định 198/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất cụ thể:

“2. Đối với hộ gia đình, cá nhân:

a) Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở sang làm đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp;

b) Chuyển từ đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp;

c) Chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc từ nhận chuyển nhượng của người sử dụng đất hợp pháp sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất như sau:

- Đất nhận chuyển nhượng có nguồn gốc là đất nông nghiệp thì thu tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp;

- Đất nhận chuyển nhượng có nguồn gốc là đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) thì thu tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất phi nông nghiệp.”

6.3. Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở trong khu dân cư nhưng chưa được công nhận là đất ở, đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư sang đất cơ sở sản xuất, kinh doanh:

- Thu tiền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006 của Chính phủ như đã nêu trên (nếu hộ gia đình, cá nhân lựa chọn hình thức giao đất có thời hạn, có thu tiền sử dụng đất) ;

- Trường hợp hộ gia đình, cá nhân lựa chọn hình thức thuê đất thì nộp tiền thuê đất hàng năm theo quy định tại: Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Thông tư số 120/2005/TT-BTC ngày 30/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 142/2005/NĐ-CP, Thông tư số 141/2007/TT-BTC ngày 30/11/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư số 120/2005/TT-BTC, Quyết định số 57/2009/QĐ-UBND ngày 30/3/2009 của UBND Thành phố và các quy định hiện hành; Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT ngày 01/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ.

7. Giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, cấp thẩm quyền đề xuất, phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất, giá cho thuê đất:

Quyết định 121/2009/QĐ-UBND quy định về phương pháp tính tiền sử dụng đất, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan cso liên quan như sau:

7.1. Giá đất để tính, thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất:

Các trường hợp tại khoản 1, 2, 3 Điều 6  Quyết định 121/2009/QĐ-UBND được xác định theo quy định tại các văn bản sau:

- Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ và Nghị định số 123/2007/NĐ-CP ngày 27/7/2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 188/2004/NĐ-CPquy định phương pháp xác định giá đất, khung giá các loại đất;

- Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai;

- Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

7.2. cấp thẩm quyền đề xuất, phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất, giá cho thuê đất:

Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã quyết định phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất, giá cho thuê đất theo đề nghị của Phòng Tài chính.

8. Hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất

Hộ gia đình, cá nhân xin chuyển mục đích sử dụng đất nộp một (01) bộ hồ sơ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện, thị xã, hồ sơ gồm:

- Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất (theo mẫu);

- Phương án sản xuất, kinh doanh (nếu chuyển mục đích sử dụng đất sang làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp); Trường hợp xây dựng nhà ở để bán thì phải thực hiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản và Nghị định số 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản.

- Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

- Bản sao hộ khẩu thường trú và chứng minh nhân dân của người xin chuyển mục đích sử dụng đất;

- Các văn bản và cam kết của Hộ gia đình, cá nhân xin chuyển mục đích sử dụng đất được UBND phường, xã, thị trấn xác nhận và có văn bản cam kết về những nội dung chính sau:

+ Xác nhận đã bàn giao phần diện tích nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng, đê, sông, kênh, mương, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình an ninh, quốc phòng, quy hoạch thoát lũ cho các tổ chức quản lý chuyên ngành quản lý theo quy định (nếu có).

+ Xác nhận đã bàn giao phần diện tích nằm trong phạm vi chỉ giới mở đường quy hoạch và lối đi sử dụng chung của khu vực cho UBND phường, xã, thị trấn quản lý theo quy định (nếu có).

+ Các biên lai, phiếu thu, hóa đơn … chứng minh đã nộp đầy đủ, đúng thời hạn các khoản nghĩa vụ tài chính về đất theo quy định khi được phép chuyển mục đích sử dụng đất;

+ Đăng ký cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường (trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất sản xuất, kinh doanh, dịch vụ).

9. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan:

9.1. Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn có trách nhiệm:

- Trích lục thửa đất xin chuyển mục đích sử dụng (đối với phường, xã, thị trấn đã hoàn thành công tác lập bản đồ địa chính); trường hợp phường, xã, thị trấn chưa hoàn thành công tác lập bản đồ địa chính thì UBND phường, xã, thị trấn đề nghị Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận, huyện, thị xã lập bản đồ trích đo địa chính;

- Thẩm tra, xác minh hiện trạng sử dụng đất, lập Tờ trình đề nghị UBND quận, huyện, thị xã cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Nội dung Tờ trình phải báo cáo thực trạng việc chấp hành pháp luật đất đai của người xin chuyển mục đích sử dụng đất và xác nhận về điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại Điều 3 bản Quy định này;

- Thông báo công khai tại trụ sở UBND phường, xã, thị trấn, tổ dân phố, thôn, khu dân cư đối với trường hợp đang xem xét cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong thời gian 03 ngày làm việc.

Thời gian giải quyết của UBND phường, xã, thị trấn không quá 13 ngày làm việc kể từ khi đủ hồ sơ hợp lệ (không kể thời gian đo đạc lập bản đồ trích đo địa chính đối với khu vực chưa hoàn thành công tác lập bản đồ địa chính). Trường hợp không đủ điều kiện hoặc phát sinh khiếu kiện phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho người xin chuyển mục đích sử dụng đất biết.

9.2. Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện, thị xã là đầu mối thẩm định hồ sơ, có trách nhiệm:

- Thẩm định sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thẩm định tác động về vệ sinh, môi trường (đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất sang làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh);

- Chuyển hồ sơ kèm văn bản yêu cầu thẩm định sang Phòng Quản lý đô thị (hoặc phòng có chức năng tương đương) để được thỏa thuận, cung cấp thông tin về phạm vi hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, chỉ giới đường đỏ, quy hoạch kiến trúc, chứng chỉ quy hoạch (đối với khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn). Trường hợp khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn thì phải tổ chức thực hiện theo quy định về phân cấp thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn ban hành kèm theo Quyết định số 48/2006/QĐ-UBND ngày 11/4/2006 của UBND Thành phố.

- Lấy ý kiến thỏa thuận của các tổ chức, đơn vị có liên quan thỏa thuận về phòng cháy, chữa cháy, cấp điện, cấp thoát nước (đối với chuyển mục đích sang đất cơ sở sản xuất, kinh doanh);

- Trường hợp thửa đất xin chuyển mục đích sử dụng nằm liền kề khu vực đê, sông, kênh, mương; di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, quy hoạch phòng chống lũ; công trình an ninh, quốc phòng thì Phòng Tài nguyên và Môi trường phải xin ý kiến thỏa thuận của Phòng Kinh tế kế hoạch và phát triển nông thôn, Phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ban Chỉ huy quân sự, Công an quận, huyện, thị xã về phạm vi hành lang bảo vệ an toàn;

- Tổng hợp các ý kiến thỏa thuận; nếu đủ điều kiện thì lập Tờ trình và soạn thảo Quyết định trình UBND quận, huyện, thị xã quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đồng thời quy định về nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, quy định cụ thể về quản lý đất đai và quản lý đầu tư xây dựng đối với người được chuyển mục đích sử dụng đất;

Trường hợp có phần diện tích nằm trong phạm vi chỉ giới mở đường quy hoạch, hành lang bảo vệ an toàn công trình hạ tầng kỹ thuật, đê, sông, kênh, mương; di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; công trình an ninh, quốc phòng thì trong quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng, phải ghi rõ nội dung thu hồi phần diện tích này, giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành hoặc UBND phường, xã, thị trấn quản lý.

9.3. Thời gian giải quyết

Thời gian giải quyết các nội dung công việc Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện, thị xã là đầu mối thẩm định hồ sơ không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ (không kể thời gian hộ gia đình, cá nhân phải giải trình, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu bằng văn bản của Phòng Tài nguyên và Môi trường khi tổ chức thẩm định và không kể thời gian lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn ban hành kèm theo Quyết định số 48/2006/QĐ-UBND ngày 11/4/2006 của UBND Thành phố đối với khu vực chưa có quy hoạch).

10. Căn cứ pháp lý thực hiện xác định thời điểm và giá chuyển mục đích sử dụng đất.

Hiện nay việc xác định giá thuê đất sát với giá thị trường đang thực hiện theo thông tư 145/2007/TT-BTC ngày 6/12/2007 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất và Nghị định số 123/2007/NĐ-CP ngày 27/7/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 188/2004/NĐ-CP đang có hiệu lực áp dụng.

Căn cứ Nghị định 120/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, tại Mục 2 Điều 2 quy định:

- Thời điểm tính thu tiền sử dụng đất

“ Trường hợp người sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đang sử dụng hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất thì giá đất tính thu tiền sử dụng đất là giá đất theo mục đích sử dụng của đất khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc theo mục đích sử dụng của đất sau khi chuyển mục đích sử dụng tại thời điểm kê khai và nộp đủ hồ sơ hợp lệ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xin chuyển mục đích sử dụng đất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền”

- Giá đất tính thu tiền sử dụng đất:

“ Giá đất tính thu tiền sử dụng đất tại điểm a và điểm b khoản này là giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định; trường hợp giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường để quyết định giá đất cụ thể cho phù hợp. Riêng trường hợp cấp giấy chứng nhận (công nhận) quyền sử dụng đất ở đối với diện tích đất đang sử dụng trong hạn mức sử dụng đất; đất được chuyển mục đích sử dụng trong hạn mức sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân thì giá đất tính thu tiền sử dụng đất là giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm kê khai và nộp đủ hồ sơ hợp lệ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xin chuyển mục đích sử dụng đất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

11. Các phương pháp xác định giá trị quyền sử đất với giá chuyển nhượng trên thị trường:

Hiện nay Bộ Tài chính có Thông tư 145/2007/TT-BTC chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất và Nghị định số 123/2007/NĐ-CP ngày 27/7/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 188/2004/NĐ-CP trong đó hướng dẫn 4 phương pháp trong định giá bất động sản:

 - Phương pháp so sánh trực tiếp

- Phương pháp thu nhập

 - Phương pháp chiết trừ

- Phương pháp thặng dư

12. Đơn vị tư vấn có chức năng thẩm định giá theo quy định của Bộ Tài chính

Theo thông tư 17/2006/TT-BTC ngày 13/3/2006 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03/8/2005 của Chính phủ về Thẩm định giá Mục 2 Khoản IV quy định về Điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá: 

“2.1. Ngoài các điều kiện về thành lập, hoạt động của từng loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, doanh nghiệp thẩm định giá phải có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 101/2005/NĐ-CP, cụ thể như sau: 

 - Có từ 3 thẩm định viên về giá có thẻ thẩm định viên về giá còn giá trị hành nghề trở lên, trong đó người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải là thẩm định viên về giá có thẻ thẩm định viên về giá.   

Chủ doanh nghiệp tư nhân thẩm định giá  phải là thẩm định viên về giá có thẻ thẩm định viên về giá; một thẩm định viên về giá chỉ được làm chủ một doanh nghiệp thẩm định giá tư nhân.    

Thành viên hợp danh của công ty thẩm định giá hợp danh phải là thẩm định viên về giá có thẻ thẩm định viên về giá; một thẩm định viên về giá có thẻ thẩm định viên về giá chỉ được làm một thành viên hợp danh của một công ty thẩm định giá hợp danh. 

 - Có đăng ký cung cấp hoạt động tư vấn thẩm định giá, các hoạt động có chức năng thẩm định giá với cơ quan đăng ký kinh doanh 

2.2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp thẩm định giá phải thông báo bằng văn bản với Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) về việc thành lập doanh nghiệp thẩm định giá và danh sách thẩm định viên đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp.”

Công ty Cổ phần Thẩm định giá và Dịch vụ Tài chính Hà Nội là doanh nghiệp Nhà nước, được chuyển đổi từ Truing tâm Thẩm định Giá và Bán Đấu giá Tài sản thuộc Sở Tài chính, có thời gian hoạt động thẩm định giá từ tháng 4/2005, hiện đang có 04 thẩm định viên về giá và có tên trong thông báo số 48/TB-BTC ngày 21/1/2011 của Bộ Tài chính về việc công bố danh sác các doanh nghiệp thẩm định giá, doanh nghiệp có chức năng thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động năm 2011.

theo: 121-2009-UBND ve chuyen doi muc dich SD dat.DOC

Tin tức khác
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Skype Me™!      Huỳnh Hồng Đức
  0903.611.066
Đếm số lượng truy cập     Số người online: 4
    Số người truy cập: 1575324
Dự án đã thực hiện